Wednesday, June 10, 2015

Sự bất lực của khoa học

Tags

Hồi bé, có một dạo tôi rất sợ ngủ, bởi một liên tưởng ám ảnh. Cuộc sống của mình biết đâu chỉ tương tự như một giấc mơ của một giống loài cao siêu nào đó, và cái chết đơn giản là sự tỉnh giấc mơ đó. Gần 20 năm sau, nỗi trăn trở vẫn còn nguyên…





Trong số các bạn sống gần nhà tôi hồi nhỏ, có một đứa bị mù màu. Điều này gợi lên suy nghĩ: giả sử tất cả chúng ta mù màu (giả sử chỉ nhìn ra đen, trắng, xám) thì loài người sẽ hoàn toàn không có khái nhiệm về màu sắc ư? Vậy thì thế giới có thể đang còn tồn tại nhiều thuộc tính nào đó rất khác nhưng chúng ta, với số lượng và khả năng hữu hạn của các giác quan, không cảm nhận được?


Dĩ nhiên là, nếu nhìn theo góc độ duy vật và khoa học, màu sắc rốt cục chỉ là do độ dài ngắn khác nhau của bước sóng ánh sáng. Cảm nhận hay không cảm nhận được thì về mặt vật lý nó cũng chỉ thế, và ngoài giới hạn (hồng ngoại, tử ngoại, siêu âm, mùi/vị quá nhạt vv…) thì con người cũng có cảm nhận được đâu. Thế nhưng tôi chưa bao giờ quá quan trọng chuyện “khoa học” nó thế nào, bởi khoa học bị giới hạn trong một phạm vi rất hẹp:


Khoa học được xây dựng dựa trên sự nhận thức và quan sát của chúng ta về thế giới. Mà thứ vũ khí giúp ta thu nhận thông tin để hình thành nên nhận thức về thế giới chỉ có các giác quan, vốn cực kì hạn chế. Trí tưởng tưởng cũng giúp chúng ta xây dựng nên nhiều thuyết khoa học (được chứng minh khoặc không), nhưng đến lượt nó, trí tưởng tượng cũng dựa trên sự liên tưởng với các sự vật hiện tượng có được từ sự nhận thức về thế giới, hay nói cách khác là trí tưởng tượng vẫn bị bó buộc trong nhận thức khởi nguồn từ các giác quan.


Khoa học được xây dưng đựa trên các tiền đề. Hồi cấp 1 chúng ta được học các tiên đề Euclid về hình học – những thứ có vẻ hiển nhiên đúng như “qua 2 điểm chỉ vẽ được 1 đường thẳng”. Đến cấp 3 chúng ta được học những tiền đề cao siêu hơn, như vận tốc ánh sáng trong chân không là thứ vận tốc lớn nhất (thuyết tương đối hẹp – Einstein). Vấn đề là tất cả các tiền đề đều sai! Nói chính xác hơn là chúng chỉ đúng tại một cấp độ nhất định của nhận thức. Ông bà ta cũng từng tin trái đất là phẳng (thay vì hình cầu) – và điều đó cũng có vẻ rất hiển nhiên đấy thôi. Bằng cách phủ định tiên đề Euclid (hoặc xem nó chỉ như một trường hợp đặc biệc), các nhà khoa học đã xây dựng nên hình học phi-euclid có sức ảnh hưởng lớn đến vật lý sau này.


Nói như vậy thì cả nền khoa học khác gì một tòa lâu đài xây trên không trung? Nhưng thử nghĩ mà xem, nếu nhìn từ vũ trụ, xây trên không trung hay dưới mặt đất có khác gì đâu, chẳng qua là cái “tiền đề” trái đất quá lớn so với ngôi nhà và đủ vững chãi để ta xây nhà trên đó – nhưng trái đất chẳng là gì trong vũ trụ bao la.Thấy hay?


Quay trở lại vấn đề sự sống, cậu bạn mù màu của tôi khi đó rất quan tâm đến vấn đề đĩa bay và người ngoài hành tinh, và tin rằng Mỹ đang giấu diếm các bức ảnh và bằng chứng mà họ có được. Tôi lại chẳng bận tâm lắm, bởi vì cái thứ “người ngoài hành tinh” này trông giống chúng ta quá, cũng là những sinh vật có cấu tạo cơ bản giống chúng ta và có trình độ phát triển hơn kém chúng ta vài trăm năm. Sao chỉ là vài trăm năm mà ko phải là hàng tỉ năm? Sự cách biệt về nhận thức của khoảng cách hàng tỉ năm là như thế nào – làm sao chúng ta nhận thức được sự tồn tại của họ ngay cả nếu họ đang hiện diện quanh đây?


Tôi nhất định không tin những thứ như “trái đất là nơi duy nhất có sự sống” hay “con người thông minh nhất vũ trụ”. Trước đây con người đã từng sai lầm khi cho rằng trái đất là trung tâm của vũ trụ, mọi thứ quay quanh trái đất – nên giờ không có lý do gì để tin vào vai trò “đặc biệt” của con người hay trái đất cả. Với sự vô hạn của thời gian và không gian (tôi tin là vô hạn, còn nếu bạn cho là hữu hạn thì chúng cũng vô cùng lớn), và trái đất và con người chỉ là một điểm bình thường trong đó, tại sao chúng ta không tìm ra “trí tuệ” hay “nền văn mình” nào khác từ ngoài trái đất?


Sự bất lực của khoa học

Copyright © Bí ẩn Internet All Right Reserved