Đã qua rồi thời xe Nhật áp đảo và thống trị tại Việt Nam. Các mẫu xe Hàn Quốc phổ thông hạng A, B, C của Kia và Hyundai đều có doanh số ấn tượng mà điển hình là trong tháng 7 và cả nửa đầu năm 2018.
Trước sự đổ bộ của nhiều mẫu xe phổ thông Nhật Bản miễn thuế nhập khẩu, doanh số bán hàng của hầu hết xe Hàn lắp ráp tại Việt Nam vẫn đang duy trì sự tăng trưởng ổn định. Hyundai và Kia đang nằm trong top 4 thương hiệu xe du lịch bán chạy nhất trong nước năm nay. Hai hãng còn lại là Toyota và Mazda - những tên tuổi lớn của Nhật trên thị trường.
Ở sân chơi hạng A, Hyundai Grand i10 và Kia Morning vẫn gần như nắm trọn thị phần. Suzuki Celerio gia nhập muộn màng, dù mang thương hiệu Nhật nhưng vẫn không tạo được sức bật rõ ràng. Sự xuất hiện tới đây của Toyota Wigo được giới chuyên gia dự đoán rằng khó có thể xoay chuyển thế trận khi những chi phí phát sinh từ Nghị định 116 khiến mẫu xe của TMV khó lòng định được giá rẻ - yếu tố sống còn ở hạng A.
Trong tháng 7, Grand i10 có giảm 336 chiếc bán ra so với tháng trước đó nhưng tổng doanh số vẫn đạt trên 1.800 xe, đủ giúp mẫu xe này nằm top 2 bán chạy trong nước. Trong khi đó, Morning thể hiện sự vươn lên với 1.155 xe bán ra, tăng 47% so với cùng kỳ năm ngoái và tất nhiên vẫn giữ một vị trí trong top 10 bán chạy.
Trong phân khúc B lớn hơn, mặc dù Kia Rio đã rút khỏi thị trường, Hyundai Accent mới mở bán ngày 16/4 cũng đủ kéo lại doanh số để không kém cạnh xe Nhật cùng tầm. Trừ Vios, mẫu xe hạng B của Hyundai tạo khoảng cách doanh số rõ rệt với những mẫu xe Nhật khác. Lượng xe Accent bán ra trung bình một tháng cao gấp khoảng 1,75 lần so với City (1.400/800 xe).
Sedan tầm trung (hạng C) cũng để lại dấu ấn trong tháng 7 khi Kia Cerato và Hyundai Elantra đều có mức kỷ lục doanh số mới trong năm. Kia bán được 1.222 xe Cerato tháng vừa qua, cao hơn cả thời điểm tháng 1/2018 vốn là tháng mua sắm nhộn nhịp của người tiêu dùng. Doanh số Elantra bằng khoảng một nửa Cerato (634 xe) nhưng mức tăng trưởng đã rõ rệt hẳn so với tháng trước (39%).
Mặc dù vẫn bán chạy, cả Kia và Hyundai vẫn liên tục làm mới những mẫu sedan hạng C của mình. Cerato thêm phiên bản SMT giá chưa tới 500 triệu đồng, còn Elantra nâng cấp công nghệ an toàn cho phiên bản thấp, bổ sung bản thể thao cho người mê tốc độ.
Xe gầm cao lại là sân chơi của Hyundai hơn là Kia. Các mẫu Tucson và Santa Fe đều có lượng bán ổn định, với doanh số cộng gộp xấp xỉ 1.000 xe/tháng. Cùng hợp sức cả 2 mẫu xe, crossover của Hyundai không kém cạnh các đối thủ mạnh từ Nhật như CX-5 và CR-V, cao vượt so với Outlander và X-Trail.
Dẫu vậy, hạng D vẫn không phải là điểm mạnh của Hàn tại Việt Nam. Phân khúc này kén khách, bởi nhắm vào giới trung lưu mà người Việt lại chuộng thương hiệu Nhật hơn khi chi gần tỷ đồng mua xe sedan. Kia Optima đang lép vế trước Toyota Camry và Mazda6.
Sắp tới đây, xe Hàn tiếp tục mở rộng cuộc chơi sang phân khúc crossover đô thị mới. Đây vốn là đất diễn của Ford EcoSport trong nhiều năm liền. Mặc dù chưa ra mắt nhưng lượng người chờ đợi và ký đặt cọc xe Hyundai Kona không hề nhỏ. Trong một nhóm Kona được thành lập trên mạng xã hội bởi những người đang thăm dò, tham khảo và ký chờ xe, khảo sát bằng bình chọn cho thấy nếu giá Kona dưới 700 triệu đồng sẽ có khả năng bán tốt trên thị trường.
Cuộc đua xe Nhật, Hàn sẽ càng nóng lên kể từ tháng 8 này đến cuối năm, khi nhiều mẫu xe mới ra mắt. Toyota, một hãng xe Nhật vốn được cho là bảo thủ với các sản phẩm tại Việt Nam, đã cởi mở hơn, chuẩn bị tung hàng loạt sản phẩm hoàn toàn mới vào các phân khúc xe phổ thông như Wigo, Avanza và Rush, hay vừa đầu tháng 8 có Vios và Yaris bản nâng cấp mới.
Hyundai và Kia vẫn đẩy mạnh lắp ráp ô tô trong nước, ngay cả với những mẫu mới sắp trình làng, còn Toyota và Honda lại chuyển dần hướng sang nhập khẩu nhiều xe từ Thái Lan và Indonesia. Việc lắp ráp sẽ giúp các hãng xe Hàn ổn định nguồn cung hơn tại Việt Nam.