Với khả năng thôi miên của mình, ông đã thực hiện một vụ “cướp ngân hàng” không tưởng với vũ khí chỉ là một mảnh giấy trắng, khiến Nguyên soái Liên Xô Stalin cũng phải thán phục.
Từ bao đời nay, bộ não của con người luôn là một bí ẩn, và những năng lực nhận thức vô cùng phức tạp của nó vượt quá khả năng hiểu biết của con người. Có những bộ não sở hữu những khả năng phi thường khiến giới khoa học không thể nào lý giải được một cách thấu đáo, và một trong những năng lực đặc biệt đó chính là khả năng thôi miên.
Trong những năm đầu tiên của thế kỷ 20 đầy biến động, theo các tài liệu còn lưu lại, có một nhân vật sở hữu những khả năng trí óc đầy bí ẩn không giống bất cứ người nào khác trong lịch sử. Ông là một nhà cảm xạ, một thầy đồng, và là một “phù thủy thôi miên” đã may mắn sống sót qua thảm họa diệt chủng của Đức Quốc xã.
Khả năng thôi miên phi thường của ông đã khiến Nguyên soái Liên Xô Joseph Stalin ngả mũ thán phục và để lại dấu ấn sâu đậm trong lịch sử. Nhân vật đầy bí ẩn đó chính là Wolf Grigorievich Messing, và những khả năng của ông đã được nhà cận tâm lý học Colin Wilson mô tả trong cuốn sách “Mysterious Powers” xuất bản ở London vào năm 1975.
Wolf Grigorievich Messing sinh năm 1899 trong một gia đình người Do Thái nghèo tại thị trấn GoraKavaleriya gần thủ đô Warsaw của Ba Lan. Khi còn nhỏ ông bị mắc chứng mộng du, một loại rối loạn tâm lý kỳ lạ có liên quan đến chu kỳ mặt trăng, và cha mẹ ông đã phải chữa trị bằng cách đặt một bồn nước lạnh bên cạnh giường để mỗi khi “lên cơn”, ông có thể bước vào đó và thức tỉnh.
Khi trưởng thành, ông chuyển tới Berlin, Đức, nơi ông phát hiện ra năng lực kỳ lạ của mình và bắt đầu luyện tập để phát triển khả năng đó. Khả năng đọc ý nghĩ người khác của ông ngày càng được hoàn thiện. Người ta nhận xét rằng trong giọng nói của ông có một thứ “mị lực” đầy mãnh liệt khiến người đối diện dễ dàng rơi vào tình trạng bị thôi miên và răm rắp nghe theo lời ông. Mỗi khi nghe lệnh ông, họ đều trả lời: “Vâng, thưa chủ nhân” một cách ngoan ngoãn, và danh tiếng của ông bắt đầu được lan truyền khắp châu Âu.
Cuốn sách “Chuyện thật về nhà thôi miên vĩ đại nhất nước Nga” xuất bản năm 1989 của tác giả Tatiana Lungin đã kể lại lần gặp gỡ thú vị giữa Messing và 2 nhân vật nổi tiếng trong thời kỳ đó là Sigmund Freud và Albert Einstein. Nhà tâm lý học nổi tiếng Sigmund Freud và thiên tài Albert Einstein đã mời ông đến để kiểm tra khả năng đọc ý nghĩ của ông. Freud dùng ý nghĩ ra lệnh cho Messing tới tủ chạm lấy một chiếc nhíp và nhổ một sợi râu của Einstein. Messing đã tuần tự thực hiện đúng các mệnh lệnh bằng ý nghĩ này và rất lịch sự xin lỗi Einstein trước khi dùng nhíp nhổ một sợi râu trên cằm ông. Freud đã ấn tượng với khả năng này đến mức ông tuyên bố: “Nếu được sống thêm một đời nữa, tôi sẽ giành cả cuộc đời đó để nghiên cứu về năng lực tinh thần.”
Khi Messing đưa ra dự đoán rằng trùm phát xít Hitler sẽ chết nếu tiến hành cuộc chiến tranh xâm lược Liên Xô, Hitler đã rất tức giận và ra lệnh lùng bắt ông với mức thưởng 200.000 Mác. Cảnh sát Đức đã tỏa ra truy bắt Messing, và cuối cùng ông bị bắt giữ và đưa đến giam tại một đồn cảnh sát.
Tại đồn cảnh sát, Messing đã sử dụng khả năng của mình để thôi miên lính gác, thuyết phục họ rằng trong buồng giam của ông có rất nhiều kim cương. Thế là lính gác mở cửa buồng giam và mải mê “nhặt” những viên kim cương tưởng tượng trên sàn nhà, trong khi ông nhẹ nhàng bước ra ngoài, khóa cửa lại và trốn thoát.
Sau khi thoát khỏi đồn cảnh sát, Messing đã tìm đường bỏ trốn tới Nga để bắt đầu một cuộc sống mới đầy khó khăn vì ông không hề quen ai ở đây cũng như không biết tiếng Nga. Để mưu sinh, ông bắt đầu sự nghiệp bằng các màn biểu diễn đọc ý nghĩ và thôi miên khán giả.
Tuy nhiên, một đêm nọ, cuộc đời của ông bất ngờ rẽ sang một hướng khác khi những người lính Nga xuất hiện và đưa ông tới gặp một nhân vật mà ông không ngờ tới, đó chính là Nguyên soái Joseph Stalin.
Stalin đã nghe tiếng về khả năng thôi miên và đọc ý nghĩ của Messing, tuy nhiên ông vẫn rất nghi ngờ năng lực của người đàn ông gốc Do Thái này. Để kiểm tra khả năng của Messing, Stalin ra lệnh cho ông thực hiện một nhiệm vụ tưởng như bất khả thi, đó là dùng sức mạnh tinh thần của mình để… cướp ngân hàng. Nhà cận tâm lý học Colin Wilson đã kể lại vụ việc này như sau:
“Trong nhiệm vụ lần này, Messing được yêu cầu không mang theo vũ khí, đến Ngân hàng Nhà nước ở Moscow để lấy 100.000 rúp dưới sự giám sát của 2 cảnh sát mặc thường phục ở bên trong và bên ngoài ngân hàng.
Được giao nhiệm vụ tưởng chừng như bất khả thi đó, Messing vẫn ung dung xách một chiếc cặp đến ngân hàng, trao cho nhân viên thu tiền một mảnh giấy, và sau khi nhìn vào mảnh giấy đó, nhân viên này tự động mở két và nhét vào chiếc cặp của ông đúng 100.000 rúp. Messing xách chiếc cặp bước ra ngoài, và 10 phút sau, ông quay trở vào ngân hàng, đưa lại chiếc cặp cho nhân viên thu tiền.
Đến lúc này nhân viên thu tiền mới như sực tỉnh, hoảng hốt nhìn vị khách lạ mà mình vừa trao số tiền khổng lồ đó, rồi gục xuống bất tỉnh trên sàn nhà vì quá sốc. Toàn bộ sự việc diễn ra dưới sự chứng kiến của 2 viên cảnh sát mặc thường phục, và họ càng bất ngờ hơn nữa khi phát hiện ra rằng mảnh giấy mà Messing đưa cho nhân viên thu tiền kia hoàn toàn không có một chữ nào.”
Một thời gian sau, ông tiếp tục thực hiện một thử nghiệm khác. Lần này ông được giao nhiệm vụ thoát ra ngoài khỏi điện Kremlin, nơi có rất nhiều trạm gác và lính canh, và tất cả những người này đều nhận được lệnh không cho phép Messing thoát ra ngoài. Thế nhưng ông vẫn ung dung vượt qua hết trạm gác này đến trạm gác khác mà không gặp bất cứ phản ứng nào từ các lính canh và an toàn thoát ra ngoài. Sau này các lính canh đều quả quyết rằng người vừa bước ra ngoài trước mặt họ không ai khác chính là Stalin.
Khi chiến tranh giữa Liên Xô và phát xít Đức nổ ra, Messing đã cống hiến hết số tiền mình kiếm được để góp phần chế tạo hai chiếc máy bay chiến đấu vào năm 1942 và 1944 cũng như tìm mọi cách để giúp đỡ Liên Xô, khi gia đình ông bị phát xít Đức thảm sát.
Lý giải khả năng thôi miên và “đọc ý nghĩ” người khác của mình, Messing cho rằng đó không phải là thứ siêu phàm hay bí ẩn gì, mà đơn giản là khả năng “đọc cơ” người khác. Khi chúng ta suy nghĩ nhiều về một thứ gì đó, các tế bào não tạo ra các xung động tới các cơ trên cơ thể. Ông có thể cảm nhận được tất cả các chuyển động vô hình này một cách dễ dàng.
Trong một buổi phỏng vấn với P. Oreshkin, ông cho biết: “Tôi thường đưa ra các mệnh lệnh tinh thần mà không cần phải tiếp xúc trực tiếp với đối tượng. Điểm mấu chốt ở đây là phải nắm được nhịp thở, nhịp tim, âm sắc giọng nói và các yếu tố khác của đối tượng…”
Theo Messing, xung quanh chúng ta tồn tại một “trường” đặc biệt mà rất ít người có thể cảm nhận thấy, và trường sinh học này ẩn chứa những năng lực rất kỳ diệu. Bằng việc cảm nhận được trường năng lượng này, ông có thể dễ dàng nắm được suy nghĩ của người khác, từ đó đưa ra các mệnh lệnh để điều khiển ý thức của họ.
Ông đã đề nghị các nhà khoa học Liên Xô nghiên cứu khả năng thôi miên đặc biệt của mình để giải thích bí ẩn này trên phương diện khoa học. Tuy nhiên phần lớn các nhà khoa học Liên Xô trong thời kỳ này đều không muốn đụng chạm tới những vấn đề mà họ coi là “siêu nhiên” và không nhiệt tình hưởng ứng đề nghị của ông.
Mặc dù họ đã thực hiện một số thí nghiệm tại Khoa Tâm thần thuộc Học viện Y khoa Liên Xô, tuy nhiên khi họ không thể giải thích được khả năng của ông bằng lý luận về hiệu ứng vô thức, họ đã không mặn mà với nghiên cứu này nữa, và cơ hội nghiên cứu năng lực thôi miên của một thiên tài đã bị bỏ phí.
Wolf Messing vẫn miệt mài làm việc và biểu diễn cho đến năm 1974, tuy nhiên ông hầu như không để lại bất cứ của cải nào cho bản thân mình. Suốt những năm tháng này ông vẫn giữ thái độ hoài nghi với thế giới và không hài lòng với những gì mình đạt được, đặc biệt là sau khi người vợ thân yêu đã cùng chung sống với ông suốt 15 năm qua đời.
Màn biểu diễn cuối cùng của ông diễn ra ở Moscow tại rạp tháng Tám vào năm 1974. Trong buổi tối hôm đó, dường như ông cảm nhận được cái chết sắp đến với mình nên đã “cháy hết mình” với những màn biểu diễn thôi miên và đọc ý nghĩ đặc sắc trong những tràng vỗ tay nồng nhiệt của khán giả.
Wolf Messing qua đời vào năm 1975, và ông được chôn cất cạnh vợ mình bên trong nghĩa địa Vostryakovsky ở Moscow. Sau khi ông mất, cơ quan tình báo KGB của Liên Xô đã tịch thu toàn bộ số tài liệu và hồi ký của ông, và cho đến hiện nay số tài liệu này vẫn chưa được giải mật.
Wolf Messing đã mang theo tất cả những câu trả lời về năng lực bí ẩn này của một thiên tài có một không hai trên thế giới. Cho đến nay vẫn chưa có một công trình khoa học nào được tiến hành để nghiên cứu khả năng thôi miên kỳ lạ của Messing, mặc dù ông vẫn được ca ngợi là “nhà thôi miên vĩ đại nhất của thế kỷ 20″.
“PHÙ THỦY THÔI MIÊN” CƯỚP NGÂN HÀNG BẰNG GIẤY TRẮNG