Những thông điệp này là quá xa lạ, ngay cả đối với những chuyên gia uyên bác nhất.
Công trình cổ xưa nhất trên thế giới
Được xây dựng gần 12.000 năm trước, công trình kiến trúc kỳ lạ Göbekli Tepe tại đất nước Thổ Nhĩ Kỳ dường như đã làm đảo lộn những kiến thức mà chúng ta từng biết về lịch sử của các nền văn minh trên Trái đất.
Nằm cách 35 dặm về phía Bắc trên biên giới Thổ Nhĩ Kỳ với Syria, Göbekli Tepe là một quần thể kiến trúc cổ đại rất kỳ lạ, bao gồm 20 tháp đá hình chữ T cao gần 5 mét được chạm khắc cầu kỳ với những loài vật như rắn, bọ cạp, sư tử, lợn, cáo…
Điều kinh ngạc nhất chính là niên đại cổ xưa của nó. Những phương pháp tính toán hiện đại đã cho biết công trình này được xây dựng vào khoảng 9.500 TCN, tức là trước nền văn minh Lưỡng Hà 5.500 năm và trước những vòng tròn đá Stonehenge trứ danh của nước Anh tới 6.000 năm.
Các nhà khoa học cho rằng vào thời điểm đó, loài người thậm chí còn chưa biết làm đồ gốm hay canh tác nông nghiệp. Cuộc sống của con người 12.000 năm trước còn rất sơ khai và phụ thuộc chủ yếu vào việc săn bắn và hái lượm.
Địa danh Göbekli Tepe bắt đầu được giới khoa học biết đến vào năm 1964, khi nó được nhà khảo cổ học người Mỹ Peter Benedict nhắc đến trong một nghiên cứu về các di chỉ khảo cổ trong khu vực. Tuy nhiên vào thời điểm đó nó không được nhiều sự chú ý vì người ta cho rằng đó chỉ là một nghĩa trang thời trung cổ
Những cuộc khai quật đầu tiên ở đây được tiến hành vào năm 1994 bởi Viện khảo cổ Đức (chi nhánh Istanbul) và Bảo tàng Sanliurfa, dưới sự chỉ đạo của nhà khảo cổ học người Đức Klaus Schmidt, giáo sư của Đại học Heidelberg. Người đàn ông này cùng với cộng sự đã làm việc hơn một thập kỷ tại đây.
Kết quả nghiên cứu của ông ngay lập tức đã làm thay đổi những kiến thức hàn lâm của ngành khảo cổ thế giới. Nó được coi là phát hiện quan trọng nhất của khảo cổ học trong những năm gần đây.
Vị giáo sư người Đức cho rằng Göbekli Tepe là dấu tích của một công trình thờ cúng, có thể là ngôi đền cổ xưa nhất trên thế giới, và các hình chạm khắc trên cột đá có thể là những mô tả đầu tiên của con người về thế giới thần linh.
Từ vị trí của Göbekli Tepe, 300 mét trên cao của một thung lũng rộng lớn, người ta có thể nhìn thấy đường chân trời ở tất cả mọi hướng.
Những người tiền sử có thể đã đứng ở đây, trải tầm mắt ra xung quanh để ngắm nhìn cuộc sống hoang sơ của 12.000 năm trước: Những đàn linh dương đang uống nước cạnh bờ sông, bên cạnh chúng là ngỗng, vịt trời… cùng với rất nhiều cỏ cây hoa lá. Rồi họ đưa chúng vào trong các tác phẩm của mình.
Nền văn minh ngoài trái đất?
Một công trình bằng đá khổng lồ và tinh xảo, được xây dựng nên từ việc đục đẽo thủ công của những người tiền sử thậm chí còn chưa biết tới kim loại hay đồ gốm! Điều này thật không thể giải thích nổi. Nó dễ dàng khiến cho những ai hay mơ mộng hình dung về một thế lực từ bên ngoài Trái đất.
Những cuộc khai quật tiếp tục được tiến hành với nhiều công nghệ hiện đại đã cho thấy quy mô và sự phức tạp đáng ngạc nhiên của công trình này.
Nhiều địa tầng khảo cổ chồng lên nhau cho thấy khoảng thời gian hoạt động lên đến vài Thiên niên kỷ, có thể bắt đầu từ Thời kỳ đồ đá giữa.
Địa tầng cổ nhất (tầng III) có chứa các trụ đá nguyên khối được liên kết bởi các bức tường xây thô để tạo thành những cấu trúc hình tròn hay hình bầu dục.
Người ta cũng tìm thấy dấu vết của những căn phòng hình chữ nhật liền kề nhau với sàn nhà được nện với bột đá vôi, gợi nhớ đến kiểu sàn nhà Terrazzo phổ biến của người La Mã.
Như vậy, công trình này không chỉ được xây dựng trước cả khi con người biết làm ra đồ gốm, kim loại, chữ viết hay bánh xe… mà thậm chí nó còn xuất hiện trước cả giai đoạn được gọi là Thời kỳ cách mạng đồ đá mới – thời điểm khởi đầu của nông nghiệp và chăn nuôi.
Những hình chạm khắc rất sinh động mô tả các loài chim thú, ngoài ra còn có rất nhiều hình vẽ tương tự như là một loại chữ tượng hình cổ đại mà các nhà nghiên cứu chưa thể giải đáp.
Göbekli Tepe đang đặt ra rất nhiều câu hỏi khó giải đáp cho các nhà khoa học. Chúng ta không thể hình dung làm thế nào mà những con người sinh sống trước cả Thời kỳ đồ đá mới, lại có thể tập hợp được một lực lượng đông đảo, lao động trong một thời gian dài với những công việc vừa nặng nhọc lại vừa phức tạp, để xây dựng nên công trình kỳ lạ này.
Có lẽ câu trả lời ẩn chứa bên trong những chữ tượng hình bí ẩn hay những bức phù điêu chim thú còn sót lại.
Tuy nhiên vấn đề lại nằm ở chỗ những thông điệp này là quá xa lạ, ngay cả đối với những chuyên gia uyên bác nhất. Và hiện chúng chỉ có mỗi một tác dụng duy nhất là thu hút ngày càng nhiều khách tham quan tìm đến nơi đây.
PHÁT LỘ NGÔI ĐỀN CỦA NGƯỜI NGOÀI HÀNH TINH?